Các phương pháp và công nghệ điều trị nám chuẩn khoa học hiện nay (Phần 1)

Nám da tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm, nhưng gây ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, tạo nên những tiêu cực đáng kể chất lượng cuộc sống.

Thông qua 2 bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các phương pháp và công nghệ điều trị nám chuẩn khoa học hiện nay, cũng như những hoạt chất vàng sử dụng trong phác đồ điều trị nám một cách hiệu quả.

CƠ CHẾ HÌNH THÀNH NÁM VÀ HƯỚNG ĐIỀU TRỊ NÁM HIỆU QUẢ

Khái niệm về nám da

Nám da là một rối loạn sắc tố tái phát mãn tính phổ biến xảy ra ở những vùng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Nám thường xuất hiện trên mặt, đặc biệt là trên má, sống mũi, trán và môi trên và xuất hiện ở các bộ phận tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khác của cơ thể, chẳng hạn như cánh tay [1].

Nám da

Các vết nám mới thường phát sinh và các vết nám hiện có thường sẽ trở nên trầm trọng hơn trong thai kỳ. Các triệu chứng xuất hiện dưới dạng dát màu nâu viền không đều và xảy ra đối xứng tại các khu vực tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời trên vùng da mặt. Các mảng nám thường được hợp nhất thành một mô hình lưới.

Cơ chế hình thành nám da

Ở Việt Nam, hầu hết các phụ nữ sau 30 tuổi đều bị tăng sắc tố da do ảnh hưởng từ việc tiếp xúc với tia UV kéo dài khiến da sản sinh nhiều hắc tố Melanin nhằm bảo vệ khỏi ánh nắng. Tuy nhiên tình trạng này vẫn có thể gặp ở mọi lứa tuổi bởi một số nguyên nhân khác bao gồm sự thay đổi nội tiết tố hoặc tăng sắc tố sau viêm.

Cơ chế hình thành nám da trải qua rất nhiều giai đoạn và nhiều yếu tố bệnh sinh khác nhau, có thể sơ lược về các giai đoạn hình thành nám như sau [1]:

Giai đoạn 1: Các tác nhân bên ngoài (thường là tia UV) kích thích sản xuất Tyrosinase – đây là một loại enzyme kích hoạt Melanocytes (tế bào hắc tố) sản sinh ra Melanin (hạt sắc tố).

Giai đoạn 2: Tyrosinase kích hoạt Melanocytes.

Giai đoạn 3: Các tế bào hắc tố sản xuất Melanin và đưa chúng vào bào quan Melanosome để vận chuyển lên các tế bào sừng.

Giai đoạn 4: Melanin được phân bố và giải phóng tại các tế bào sừng, gây nên tình trạng tế bào đó tối/ sẫm màu hơn (hay còn gọi là sạm nám).

Quá trình tổng hợp Melanin gây hình thành nám da

Định hướng điều trị nám hiệu quả

Tiếp cận điều trị nám, cần can thiệp vào cả 4 giai đoạn của quá trình sắc tố da, nếu chỉ can thiệp vào một giai đoạn sẽ không đạt được hiệu quả tối ưu và kéo dài thời gian điều trị. Điều này đồng nghĩa với việc phải kết hợp rất nhiều các hoạt chất khác nhau cũng như các liệu pháp điều trị bôi thoa kết hợp xâm lấn và công nghệ cao để có thể tác động được toàn diện nhất.

Ngoài ra, có rất nhiều yếu tố bệnh sinh tác động và thúc đẩy quá trình nám da, điển hình như quang tổn thương, viêm, sự tăng sinh mạch bất thường. Hay một nghiên cứu gần đây về nám dưới góc nhìn mới: nám là một biểu hiện của lão hóa da do ánh nắng.

Tương tự, hướng tiếp cận mới là con đường dẫn truyền tín hiệu từ tế bào sừng, nguyên bào sợi, tế bào tuyến bã, tế bào hắc tố và tế bào nội mô mạch máu cũng tham gia vào quá trình tăng sắc tố [2,3].

Đồng nghĩa với việc điều trị nám làm sáng da không chỉ dừng lại ở việc loại bỏ sắc tố hay chống nắng tốt mà củng cố cấu trúc da và duy trì toàn vẹn sức khỏe làn da là yếu tố đặc biệt quan trọng.

Giai đoạn tổng hợp melanin

Quá trìnhHoạt chất
Trước tổng hợp melaninPhiên mã TyrosinaseTretinoin, c-2 ceramide
Glycosyl hóa TyrosinasePaSSO3Ca
Ức chế plasminTranexamic acid
Trong tổng hợp melaninỨc chế tyrosinaseHydroquinone, Cysteamine, mequinol, azelaic acid, kojic acid, arbutin, deoxyarbutin, licorice extract, rucinol, 2,5-dimethyl-4-hydroxy-3(2H)-furanone, N-acetyl glucosamine, resveratrol, oxyresveratrol, ellagic acid, methyl gentisate, 4-hydroxyanisole
Ức chế peroxidaseCysteamine, Hợp chất phenolic
Loại bỏ các chất oxy hóaAscorbic acid, ascorbic acid palmitate, thioctic acid, hydroxycoumarins
Sau khi tổng hợp melaninThoái hóa tyrosinaseLinoleic acid, α-linolenic acid
Ức chế chuyển melanosomeNiacinamide, serine protease inhibitors, retinoids, lecithins, neoglycoproteins, soybean trypsin inhibitor
Tăng tốc độ tái tạo làn daLactic acid, glycolic acid, linoleic acid, retinoic acid
Điều chỉnh môi trường tế bào hắc tốCorticosteroids, glabridin
Phản ứng với đồngCysteamine, Kojic acid, ascorbic acid
Ức chế sự trưởng thành của melanosomeArbutin and deoxyarbutin
Ức chế protease hoạt hóa receptor 2Soybean trypsin inhibitor

Bảng 1: Phân loại các chất làm giảm sắc tố theo quá trình hình thành sắc tố. Sao chép từ [4]

CÁC PHƯƠNG PHÁP VÀ CÔNG NGHỆ ĐIỀU TRỊ NÁM HIỆN NAY

Các phương pháp điều trị hàng 1 – Bôi thoa

Hydroquinone

Quá trình sinh tổng hợp melanin cho thấy axit amin tyrosine được chuyển đổi thành DOPA, DOPAquinone bởi enzyme tyrosinase. Tác động vào quá trình này được coi là một bước giới hạn tốc độ quan trọng ngăn hình thành hắc tố [5].

Thông qua cơ chế ức chế việc chuyển đổi tyrosinase thành melanin tới 90%, Hydroquinone được sử dụng trong da liễu để điều trị các tình trạng tăng sắc tố da, bao gồm nám da, tàn nhang, đồi mồi và tăng sắc tố sau viêm (PIH). Các triệu chứng của sắc tố thường được cải thiện sau từ 4 đến 6 tuần khi điều trị bằng hydroquinone.

Hiệu quả của Hydroquinone được tối ưu hóa khi kết hợp với retinoids và corticosteroid tại chỗ. Hiện tại, sự kết hợp tretinoin 0,05% với Hydroquinone 4% và fluocinolone acetonide 0,01% (triple combination, TC) được coi là phương pháp điều trị tại chỗ tiêu chuẩn vàng cho nám nhờ tác dụng làm trắng nhanh và mạnh. Tuy nhiên, Các đo lường về hiệu quả và an toàn chỉ ra rằng nên sử dụng Kligman không liên tục trong tối đa 6 tháng.

Việc sử dụng Hydroquinone và Tretinoin có thể gây ra các tác dụng phụ, như viêm da tiếp xúc dị ứng và kích ứng, mảng trắng da giống hoa giấy, ban đỏ và giãn mạch.

Hình A – Ochronosis ngoại sinh

Hình A – Nữ 58 tuổi bị nám, điều trị bằng HQ 4% và tretinoin tiến triển ngứa, nổi mẩn đỏ, dát đen nhiều hơn; B – Ảnh chụp vi mô sinh thiết da của trường hợp da số 1, cho thấy các chất cặn kéo dài màu nâu vàng (“giống quả chuối”) ở lớp hạ bì bề mặt có liên quan đến hiện tượng đàn hồi do ánh nắng mặt trời (H&E, độ phóng đại 200X).

Ochronosis ngoại sinh đã được báo cáo do sử dụng Hydroquinone nồng độ cao kéo dài. Vậy nên, điều trị giai đoạn tấn công năm bằng Hydroquinone nồng độ cao cần có sự tư vấn và theo dõi từ bác sĩ chuyên môn và kinh nghiệm để hạn chế tối đa rủi ro và tác dụng phụ

Arbutine

Arbutin là một glycoside tự nhiên của Hydroquinone. Về mặt hóa học arbutin được xem là một dạng của hydroquinone nhưng trong phân tử arbutin lại chứa thêm glucose. Thay vì trực tiếp tiêu diệt các tế bào melanin tự nhiên trong cơ thể, Arbutin có khả năng ức chế enzyme tyrosinase làm giảm sinh tổng hợp melanin ở da người.

Arbutin không gây độc tính hay kích ứng, không có mùi khó chịu hoặc tác dụng phụ như Hydroquinone. Arbutin có ba đặc tính chính: tác dụng làm trắng, chống lão hóa và có vai trò như một bộ lọc tia UVB/UVC.

Tuy nhiên, do Arbutin chỉ giúp giải phóng Hydroquinone một cách từ từ nên Arbutine có hiệu quả kém hơn rất nhiều lần, chỉ phù hợp với những nền da quá nhạy cảm khó có thể tấn công nám ngay bằng Hydroquinone, tương tự, chỉ sử dụng hoạt chất này cho những tình trạng nám nhẹ tới trung bình hoặc duy trì kết quả sáng da sau điều trị nám.

Trong điều trị nám da, nó thường được sử dụng ở nồng độ từ 1% đến 6% kết hợp với các phương pháp điều trị và làm sáng da khác.

Cysteamine

L-Cysteamine là một hợp chất aminothiol có đặc tính chống oxy hóa và giảm sắc tố do ức chế enzyme peroxidase và tyrosinase. Đây là hợp chất gốc aminothiol nội sinh trong cơ thể động vật có tác dụng kích thích tăng sinh Glutathione nội bào giúp loại bỏ độc tố, trung hòa gốc tự do, làm chậm quá trình lão hóa, giảm nám, giúp da trắng sáng tự nhiên và căng mượt hơn.

Một so sánh về cysteamine và HQ 4% trong 16 tuần ở Úc cho kết quả giảm mMASI lần lượt là 21% và 32% [6].

Cysteamine là hoạt chất trị nám thế hệ mới được các chuyên gia đánh giá cao trong những năm gần đây. Thứ nhất, nhờ tác động vào cơ chế bệnh sinh nguyên gốc gây ra melanis, Cysteamine có hiệu quả ức chế hắc tố mạnh mẽ. Thứ 2, L-Cysteamine có thể được tìm thấy tự nhiên như một sản phẩm thoái hóa nội bào của L-cysteine, có sẵn trên người, vậy nên mức độ dung nạp của Cysteamine trên cơ thể người rất cao, thay vì “tẩy trắng tế bào”, Cysteamine chỉ loại bỏ lượng hắc tố dư thừa hơn so với bình thường trên tế bào. Thứ 3, Cysteamine an toàn và lành tính khi sử dụng trong thời gian dài, không gây độc tế bào, có thể thay thế rất nhiều các hoạt chất tẩy trắng khác.

Tranexamic Acid

Tranexamic Acid là một chất chống tiêu sợi huyết tương tự lysine tổng hợp có tác dụng ức chế cạnh tranh sự hoạt hóa plasminogen thành plasmin, từ đó ngăn chặn sự tương tác của melanocyte và keratinocyte, làm giảm hoạt động của tế bào mast và ức chế các yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi.

Hầu hết tình trạng nám da ở Việt Nam đều có nền da giãn mạch từ nhẹ cho tới trung bình. Biểu hiện là tình trạng da xuất hiện các mạch máu nông nằm ở bề mặt hoặc ngay dưới bề mặt của lớp biểu bì da, dưới dạng các đường mao mạch nhỏ màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm. Khi này, điều trị nám bằng Tranexamic Acid đồng thời giúp điều trị giãn mao mạch, giảm đỏ nhờ tác dụng chống huyết khối.

Azelaic acid

Azelaic acid có nguồn gốc từ nấm men Pityrosporum ovale, là một chất ức chế tyrosinase và các oxidoreductase, làm giảm quá trình tổng hợp DNA của các melanocyte. Azelaic acid an toàn khi sử dụng cho bệnh nhân mang thai và cho con bú. Đồng thời cũng là một trong những hoạt chất có sự dung nạp tốt.

Azelaic acid thường được sử dụng dưới dạng kem 20% hai lần mỗi ngày để điều trị nám, giảm 50% MASI sau 8 tuần [7].

Tác dụng đi kèm của Azelaic acid là giúp bạt sừng nhẹ, phù hợp làn da tăng sắc tố biểu hiện rõ trên lớp biểu bì và những làn da dày sừng.

Tuy nhiên, nhược điểm Azelaic acid ở nồng độ cao dễ kích ứng với làn da nhạy cảm, gây bong tróc và khô da, cảm giác châm chích, không phù hợp với da nám có nền da yếu hay tổn thương, giãn mạch. Hơn nữa, Azelaic acid tác động yếu hơn so với các hoạt chất điều trị nám khác, chỉ phù hợp với những trường hợp tăng sắc tố mới trên bề mặt, tăng sắc tố sau viêm; ngoài ra, nên kết hợp các hoạt chất làm trắng có khả năng ức chế sắc tố mạnh hơn.

Vitamin C

Vitamin C (dạng L-Ascorbic acid) là một hoạt chất chống oxy hóa mạnh, chúng có tác dụng làm sáng da và bảo vệ khỏi tác hại từ tia UV gây ra. Với tính khử giúp ngăn chặn chuỗi oxy hóa biến đổi tyrosinase thành melanin. Mặc dù kém hiệu quả hơn hydroquinone, nhưng axit ascorbic không có nhiều tác dụng phụ. Hoạt chất này thường được sử dụng ở nồng độ từ 4% đến 20%.

Ngoài ra, vitamin C hỗ trợ làm giảm ban đỏ và cháy nắng ngay cả khi thoa sau khi ra nắng. Điều trị với 10% Vitamin C tại chỗ làm giảm số lượng “tế bào bị cháy nắng” bất thường từ 40–60% và giảm tác hại của tia UV lên DNA tới 62%.

Niacinamide

Niacinamide là dạng hoạt tính sinh học của niacin (vitamin B3), là tiền chất thiết yếu của các coenzym như các phân tử nicotinamide adenine dinucleotide (NADH) và nicotinamide adenine dinucleophosphate (NADPH) với tác dụng chống oxy hóa mạnh [8]. Niacinamide làm giảm đáng kể quá trình chuyển giao melanosome sang keratinocyte, can thiệp vào con đường truyền tín hiệu tế bào giữa keratinocyte và melanocyte, làm giảm quá trình tạo melanin [9].

Niacinamide thường dùng ở nồng độ 4–5% hai lần mỗi ngày hoặc kết hợp với các chất làm sáng da khác, chẳng hạn như kojic acid và arbutin.
Đối với nám da, niacinamide 4% giúp giảm 62% hemi-MASI (hMASI) sau 8 tuần.

Với cơ chế tác động vào giai đoạn ngăn melanin giải phóng vào các tế bào biểu bì, Niacinamide không thể tác động vào yếu tố bệnh sinh gây nám và không thể kiểm soát nám hay các toàn bộ vấn đề tăng sắc tố trên da. Việc lựa chọn Niacinamide chỉ nên được xem là lựa chọn chất kết hợp trong điều trị nám, tăng tác dụng sáng da và có thể tận dụng những lợi ích khác của Niacinamide như giảm kích ứng, ngăn mất nước xuyên bì, giảm đỏ da, kiểm soát bã nhờn,…

Kojic acid

Kojic acid liên kết với đồng trong tyrosinase, ngăn chặn hoạt động và quá trình tạo eumelanin. Trong điều trị nám, kojic acid được sử dụng với nồng độ từ 1% đến 4% kết hợp với các chất làm sáng da khác. Tác dụng của nó bắt đầu sau 2–4 tuần sử dụng liên tục, với sự cải thiện dần dần cho đến 6 tháng [10].

Ở nồng độ 2% thì Kojic acid tác dụng không tốt bằng Hydroquinone 2%, nhưng ở nồng độ 4% thì Kojic acid hoạt động tốt hơn Hydroquinone 2%. Tuy nhiên, nồng độ thường sử dụng an toàn trong mỹ phẩm là 1%-2%, còn ở nồng độ cao, Kojic acid có nhược điểm gây bong tróc, đỏ da, khô da và kích ứng, không phải là thành phần lành tính dùng cho làn da nhạy cảm.

Kojic acid sử dụng kèm với Glycolic acid từ 5 – 10% sẽ có hiệu quả tốt hơn, hoặc dùng kèm với cả Glycolic acid và Hydroquinone sẽ đạt kết quả tốt hơn nữa.

Điều trị bôi thoa phối kết hợp

Bộ đôi Tretinoin và Hydroquinone

Bộ đôi Tretinoin và Hydroquinone – công thức được phát triển bởi bác sĩ Kligman đến nay vẫn được xem là công thức tối ưu và được sử dụng rộng rãi trong phác đồ điều trị nám bởi những tác động toàn diện.
Đầu tiên, Tretinoin (một dạng của vitamin A) tác động trực tiếp vào quá trình hình thành các hắc tố, đồng thời sẽ thúc đẩy quá trình thay mới lớp da tối màu đã bị ảnh hưởng bởi Melanin. Bên cạnh đó, hoạt chất này cũng hỗ trợ sản sinh Collagen ngăn chặn các tình trạng như da bị lão hóa, nếp nhăn, tăng tuần hoàn máu,…

Kế đến, Hydroquinone sẽ đóng vai trò giảm sự hoạt động quá mức của Tyrosinase, giúp điều trị nám một cách tận gốc và triệt để, bao gồm các tình trạng như đồi mồi, tàn nhang, đốm nâu và màu sắc da không được đồng đều (từ mức độ trung bình đến nặng).

Với sự hoạt động cộng hưởng của 2 hoạt chất này, làn da sẽ được cải thiện một cách rõ rệt trong vòng 4-8 tuần sau khi sử dụng.

Tuy nhiên, Kligman chỉ ưu tiên áp dụng trên nền da nám khỏe, không bị các vấn đề nhạy cảm, tổn thương, lão hóa hay giãn mạch vì rủi ro kích ứng rất cao. Những nền da chưa từng sử dụng Kligman hay các hoạt chất điều trị nám mạnh (gây kháng trị nám) sẽ đáp ứng cao nhất với Kligman. Khi sử dụng bộ đôi này cần phải có sự tham khảo ý kiến và theo dõi từ các bác sĩ da liễu hoặc chuyên viên tư vấn nhằm tránh để lại một số tác dụng phụ không mong muốn.

Công thức 4% Hydroquinone và 0,025% Tretinoin sau 12 tuần (3a1, 3a2, 3a3) và tại tuần thứ 32 sau 20 tuần điều trị

Bộ đôi Cysteamine và Tranexamic Acid

Sự kết hợp của 2 hoạt chất cộng hưởng tạo những tác động khác nhau lên nhiều cơ chế bệnh sinh của nám. Trong khi Cysteamine giúp ức chế Tyrosine và cải thiện hắc tố mức độ nhẹ tới trung bình, thì Tranexamic Acid giúp giảm viêm đỏ, giãn mạch trên nền da nhạy cảm, đặc biệt giúp ức chế plasmin – yếu tố gián tiếp tạo ra melanin.

  • Cysteamine và Tranexamic Acid đều có khả năng ức chế quá trình sản xuất melanin trong da với các cơ chế hoàn toàn khác nhau.
  • Khi kết hợp cùng nhau, chúng tạo ra một hiệu ứng hỗ trợ, tác động vào nhiều con đường hình thành sắc tố, giúp giảm nám một cách toàn diện và đạt được hiệu quả cao hơn.

Hơn hết, hai hoạt chất trị nám thế hệ mới này được các bác sĩ da liễu khuyên dùng vì ưu điểm không gây tổn hại tế bào sừng, đặc biệt Cysteamine còn có nội sinh trên cơ thể người nên khả năng dung nạp cao và dễ dàng loại bỏ các melanin dư thừa mà không gây tác dụng phụ như các hoạt chất tẩy trắng mạnh khác. Điều này giúp bảo đảm 1 tiêu chí quan trọng trong điều trị nám lâu dài đó là giữ tế bào sừng khỏe mạnh và không ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng thượng bì. Đồng thời, bộ đôi Cysteamine và Tranexamic Acid có thể dùng lâu dài mà không gây độc tế bào hay những tác dụng phụ khác.

Các phương pháp điều trị hàng 2 – Peel, Meso, Uống

Liệu pháp đường bôi được xem là “cốt lõi” và lựa chọn đầu tay trong điều trị nám sạm da, tuy nhiên cần khoảng thời gian nhất định trong điều kiện các hoạt chất phải thẩm thấu sâu vào trong tầng thượng bì, và hiệu quả thấy được có thể lâu hơn so với các biện pháp như đường uống hoặc xâm lấn.

Do vậy, trong nhiều trường hợp làn da không còn cải thiện nhiều bằng đường bôi thoa, liệu pháp điều trị hàng hai và hàng ba sẽ được xem xét, kết hợp.

Peel da

Peel da bằng acid ở nồng độ cao làm tăng tốc độ luân chuyển của tế bào sừng biểu bì, được phân loại ở bề mặt, trung bình và sâu tùy theo lớp da. Theo đó, các hoạt chất như AHA, PHA, Azelaic acid, Retinoid… ở nồng độ cao sẽ được sử dụng để tái tạo bề mặt da một cách mạnh mẽ. Khi tế bào biểu bì được tái tổ chức, chúng giúp tăng sản sinh collagen, elastin và mucopolysacarit, kích thích nguyên bào sợi và tăng tổng hợp collagen và elastin, cùng lúc đó, tế bào sừng bị loại bỏ và melanin cũng bị loại bỏ theo nhanh chóng.

Peel da bằng hóa chất không phải là liệu pháp đầu tay, nhưng là một biện pháp bổ trợ. Chú ý, nên thực hiện peel theo đợt liên tiếp đối với nám, (khoảng từ 5 – 6 đợt) với khoảng cách giữa các đợt từ 2 – 4 tuần kèm theo tuân thủ điều trị theo phác đồ bôi thoa tại nhà.

Peel Level

Hoạt chất
Bề mặt, nôngGlycolic acid (GA) 30%, 50% hoặc 70%; Salicylic acid (SA) 20% hoặc 30%; Dung dịch Jessner (JS), gồm 14 g resorcinol, 14 g salicylic acid và 14 mL lactic acid (85%) trong cồn etylic 95%;  

Retinoic acid (RA) hoặc tretinoin, ở nồng độ 1%, 3% và 5% trong ethanol/propylene glycol

Trung bìnhPyruvic acid
SâuTrichloroacetic acid (TCA) 15% hoặc 20%

Bảng 2: Các hoạt chất Peel khác nhau

Những ưu điểm của lột da (peel) có thể hữu ích cho tình trạng nám. Peel da giúp phục hồi chức năng hàng rào bảo vệ da, được cho là nguyên nhân gây nám. Nó không gây tình trạng viêm sau peel và cải thiện lớp biểu bì nhanh chóng. Nó cũng có thể dùng cho da nhạy cảm, với nhiều nồng độ khác nhau phù hợp cho nhiều ở bệnh nhân bị nám. Cuối cùng, không cần thời gian nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, cùng có rất nhiều nhược điểm khi peel da. Đầu tiên, cường độ dùng cho điều trị thay đổi tùy thuộc vào nhiều biến số như nồng độ, pH và thời gian sử dụng. Vì vậy, peel da phải được thực hiện một cách thận trọng và quy trình phải được thống nhất. Thứ hai, do mức độ thâm nhập không đồng nhất và có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng hoặc vị trí của da, điều quan trọng là phải cần bác sĩ có chuyên môn để để trung hoà hoạt chất peel da da ngay lập tức nếu phản ứng bất lợi xảy ra. Peel da cũng khiến tăng độ nhạy cảm của da với bức xạ tia UV, dễ bị ban đỏ và tế bào cháy nắng [13].

Mesotherapy

Mesotherapy là phương pháp trị liệu sử dụng những lượng nhỏ thuốc tiêm trực tiếp vào da nhằm tạo ra các kích thích sinh học, từ đó đạt được đáp ứng điều trị mong muốn.

Quan trọng nhất và khó khăn nhất trong điều trị nám là khả năng thẩm thấu thấp của các chất hòa tan trong nước qua lớp kỵ nước của lớp sừng. Với liệu pháp tiêm trực tiếp vào da, thuốc được đưa trực tiếp vào lớp bì, thuốc tới đích với nồng độ cao hơn. Do đó, hiệu quả lớn hơn và lâu dài hơn, với ít tác dụng phụ hơn.

Tranexamic Acid là chất được nghiên cứu nhiều nhất trong liệu pháp điều trị nám trong da. Trong các thử nghiệm lâm sàng với liệu pháp Mesotherapy với Tranexamic Acid, MASI giảm dao động trong khoảng từ 33,3% đến 81,2% trong khoảng 3–12 buổi được thực hiện và khoảng thời gian giữa các buổi là 1– 6 tuần [14].

Bệnh nhân nữ bị nám được điều trị bằng tiêm axit tranexamic trong da; (A) trước khi điều trị. (B) 3 tháng sau khi kết thúc điều trị với tình trạng cải thiện tốt.

Điều trị đường uống

Một cách để hỗ trợ phác đồ điều trị tăng sắc tố trở nên hiệu quả hơn là dung nạp bằng đường uống, và ưu tiên nhất vẫn là Tranexamic acid, kết hợp cùng với các hoạt chất chống oxy hóa như Pycnogenol, Chiết xuất cà chua trắng, Chiết xuất dương xỉ, Vitamin C, E, B3, A, Glutathione, L-Cysteine…hoặc các loại chiết xuất hạt lựu đỏ…giúp hỗ trợ trẻ hoá da từ bên trong cơ thể.

Không chỉ Tranexamic Acid, một hoạt chất thế hệ mới như Pycnogenol cũng rất được khuyến khích sử dụng trong các viên uống sáng da, đã được chứng minh lâm sàng về khả năng chống oxy hóa cao gấp 20 lần vitamin C và 50 lần vitamin E, giúp bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại từ gốc tự do và yếu tố môi trường bên ngoài như ánh nắng mặt trời, ô nhiễm. Với cơ chế ức chế Tyrosinase, ngăn ngừa hình thành sắc tố Melanin mạnh gấp 4 lần so với Kojic Acid, Pycnogenol mang lại hiệu quả cải thiện sạm nám, sắc tố, tàn nhang và giúp da sáng khỏe, đặc biệt giúp duy trì và gia tăng đáp ứng trên da sau các liệu trình thẩm mỹ như filler, meso, thermage,…

Thử nghiệm mù đôi, ngẫu nhiên, có đối chứng với giả dược trên 40 bệnh nhân có loại da Fitzpatrick III-V và nằm trong độ tuổi từ 22 đến 59. Điểm số mMASI giảm -3,28, ơn nữa, ở lần tái khám sau 90 ngày, tổng điểm tăng sắc tố và ban đỏ (p<0,001) được cải thiện đáng kể lên 55% và 38%

Trước và sau điều trị với viên uống tổng hợp trên bệnh nhân có loại da Fitzpatrick III-V

Bạn hãy xem tiếp phần 2 để tìm hiểu thêm về phương pháp điều trị hàng 3 bằng Laser cũng như phương pháp điều trị duy trì và dự phòng tái phát trong phác đồ điều trị nám chuẩn khoa học hiện nay nhé !

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Bài viết liên quan