So sánh Cysteamine và Hydroquinone về tính an toàn và hiệu quả trong điều trị nám

Nám da (Rám má) là một rối loạn sắc tố mắc phải, đặc trưng bởi các mảng sắc tố phân bố đối xứng ở những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như trán, má và cằm. Bệnh có cả ở hai giới, nhưng phụ nữ gặp nhiều hơn. Hydroquinone vẫn đang là tiêu chuẩn vàng trong điều trị nám bất chấp những tranh cãi về tính an toàn của nó.

CYSTEAMINE – GIẢI PHÁP MỚI TRIỂN VỌNG TRONG ĐIỀU TRỊ NÁM AN TOÀN

Cysteamine lần đầu được phát hiện bởi Giáo sư Chavin – một nhà nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ, nghiên cứu về sinh lý cá. Vào những năm 1960, ông bắt đầu tò mò về các chức năng trao đổi chất của Cysteamine, một chất chống oxy hóa tự nhiên ở cá.

Ông bắt đầu ứng dụng vào một trong những thí nghiệm của mình, nghiên cứu sinh lý học về màu sắc của cá, ông đã tiêm Cysteamine vào da của một con cá vàng đen. Vảy cá vàng chuyển từ vàng đen sang màu bạc nhạt. Giáo sư Chavin và nhóm nghiên cứu của ông đã phát hiện ra hoạt động sinh lý của Cysteamine trong việc điều chỉnh sắc tố da.

Quá trình chuyển hoá nội sinh trong cơ thể hình thành nên Cysteamine và một số Aminothiol khác

Cysteamine là aminothiol đơn giản nhất được sản xuất sinh lý trong tế bào động vật có vú. Là một sản phẩm của quá trình phân hủy tự nhiên của acid amin thiết yếu L-cysteine. Mức độ sinh lý của Cysteamine phân bố tốt trong các mô của động vật có vú và nồng độ tự nhiên của nó là cao nhất trong sữa của động vật có vú. Trong sữa, cũng như trong các mô khác, phân tử này hoạt động như một chất chống oxy hóa nội tại và được biết đến với vai trò bảo vệ. Cysteamine là một chất có hồ sơ an toàn đã được chứng minh.

SO SÁNH TRỰC TIẾP HIỆU QUẢ CỦA CYSTEAMINE VÀ HYDROQUINONE QUA CÁC NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu 1: So sánh hiệu quả của kem cysteamine 5% và kem kết hợp hydroquinone 4% + ascorbic acid 3% trong điều trị nám biểu bì (Comparison of the efficacy of cysteamine 5% cream and hydroquinone 4%/ascorbic acid 3% combination cream in the treatment of epidermal melasma)

Phương pháp: 65 trong số 80 bệnh nhân đã hoàn thành thử nghiệm mù đơn, ngẫu nhiên, có đối chứng này. Các bệnh nhân được bôi kem cysteamine 5% hoặc hydroquinone 4% + axit ascorbic 3% (HC). Đáp ứng điều trị được đánh giá bằng MASI cải biến (mMASI) và chỉ số hắc tố (SkinColorCatch) sau 2 và 4 tháng điều trị. Hiệu quả của điều trị đối với chất lượng cuộc sống cũng được đánh giá.

Kết quả: Điểm mMASI giảm từ 6,69 ± 2,96 xuống 4,47 ± 2,16 ở nhóm cysteamine và từ 6,26 ± 3,25 xuống 3,87 ± 2,00 ở nhóm HC sau 4 tháng (giá trị p < 0,001). Chỉ số melanin giảm từ 37,72 ± 10,17 xuống 31,47 ± 11,90 ở nhóm cysteamine và từ 36,37 ± 10,80 xuống 23,16 ± 8,83 ở nhóm HC sau 4 tháng (giá trị p lần lượt = 0,003 và < 0,001). Sự khác biệt giữa điểm số mMASI lúc bắt đầu và tháng thứ 4 là không đáng kể giữa cả hai nhóm (giá trị p > 0,05). Sự khác biệt giữa chỉ số melanin lúc ban đầu và tháng thứ 4 rõ rệt hơn ở nhóm HC (giá trị p = 0,002). Chất lượng cuộc sống được cải thiện ở cả hai nhóm (giá trị p < 0,05), nhưng không khác biệt đáng kể giữa các nhóm (giá trị p > 0,05).

Kết luận: Cysteamine khẳng định là một phương pháp điều trị nám hiệu quả, với kết quả tương đương với HC (Hydroquinone 4% + Acid Ascorbic 3%) trong việc giảm điểm số mMASI và cải thiện chất lượng cuộc sống, mặc dù đã quan sát thấy mức giảm chỉ số melanin ít hơn. Hiệu quả của Cysteamine và HC (Hydroquinone 4% + Acid Ascorbic 3%) đã được xác nhận ở những bệnh nhân kháng trị (không đáp ứng) với các phương pháp điều trị trước đó, bằng cách giảm đáng kể chỉ số mMASI và melanin.

Hiệu quả cải thiện nám với Cysteamine sau 4 tháng

 

Sơ đồ nghiên cứu so sánh Cysteamine và Hydroquinone trong điều trị nám

Nghiên cứu 2: A comparative study of topical 5% cysteamine versus 4% hydroquinone in the treatment of facial melasma in women (Một nghiên cứu so sánh cysteamine 5% tại chỗ so với 4% hydroquinone trong điều trị nám da mặt ở phụ nữ).

Phương pháp: Thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, đa trung tâm được tiến hành trên 40 phụ nữ bị nám da mặt.

Tiêu chuẩn lựa chọn: Phụ nữ bị nám da mặt, với loại da từ II đến V và trong độ tuổi từ 30 đến 55.

Tiêu chuẩn loại trừ: Phụ nữ đang mang thai, đã trải qua thời kỳ mãn kinh, mắc các bệnh da liễu khác trên mặt hoặc đang dùng kem điều trị sắc tố khác.

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 10 năm 2019 đến tháng 2 năm 2020. Những người tham gia nhóm CYS được hướng dẫn thoa kem gel Cysteamine 5% (Clarite Cysteamin, Dermage, Sa~o Paulo- Brazil) lên các tổn thương trên mặt vào ban đêm. Những người này được yêu cầu bôi kem trong15 phút trong thời gian đầu và tăng dần thời gian lên đến 2 giờ, nếu không có kích ứng da, trong những tối tiếp theo. Những người tham gia trong nhóm HQ được bôi Hydroquinone 4% tại chỗ (Dermage, Sa~o Paulo-Brazil) lên các tổn thương trên khuôn mặt của họ khi đi ngủ; sản phẩm nên lưu lại trên mặt qua đêm, rửa sạch vào buổi sáng.

Cả hai nhóm đều được yêu cầu sử dụng kem chống nắng có màu (SPF 50; PPD 19) ba lần một ngày. Các đối tượng được đánh giá khi bắt đầu điều trị và sau 60 và 120 ngày điều trị đối với mMASI, MELASQoL và sự khác biệt về độ sáng đo màu giữa vùng da bị nám và vùng da không bị ảnh hưởng liền kề. Thang đo cải thiện thẩm mỹ toàn cầu (GAIS) được sử dụng để đánh giá sự khác biệt về vẻ ngoài của làn da thông qua các bức ảnh được tiêu chuẩn hóa.

Kết quả: Mức giảm trung bình của điểm số mMASI là 24% đối với CYS và 41% đối với HQ (P = 0,015) sau 60 ngày và 38% đối với CYS và 53% đối với HQ (P = 0,017) sau 120 ngày. Đánh giá chụp ảnh cho thấy cải thiện tới 74% cho cả hai nhóm mà không có sự khác biệt đáng kể giữa chúng (P = 0,087). Điểm MELASQoL cho thấy cả hai nhóm đều giảm dần theo thời gian, mặc dù HQ giảm nhiều hơn sau 120 ngày (P = 0,018). Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được xác định ở cả hai nhóm. Ban đỏ và nóng rát là những tác dụng phụ quan trọng nhất tại chỗ của Cysteamine, mặc dù tần suất của chúng không khác nhau giữa các nhóm (P > 0,170).

Kết luận: Cysteamine được chứng minh là an toàn, dung nạp tốt và hiệu quả, mặc dù hoạt động kém hơn hydroquinone trong việc giảm mMASI và MELASQoL trong điều trị nám.

So sánh Cysteamine và Hydroquinone về khả năng điều trị nám thông qua chỉ số mMASI

TLTK

1. Comparison of the efficacy of cysteamine 5% cream and hydroquinone 4%/ascorbic acid 3% combination cream in the treatment of epidermal melasma, Mozhdeh Sepaskhah, Fatemeh Karimi, Zahra Bagheri, Behrooz Kasraee,
J Cosmet Dermatol 2022 Jul;21(7):2871-2878

2. A comparative study of topical 5% cysteamine versus 4% hydroquinone in the treatment of facial melasma in women, Paula Basso Lima1, MD, Joana Alexandria Ferreira Dias, MD, Daniel Cassiano, MD, Ana Claudia Cavalcante Esposito, MD, MSc, Edileia Bagatin MD, International Journal of Dermatology, 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Bài viết liên quan